Áo mũ và ấn bảo Hậu cung nhà Nguyễn

Quy định mũ áo

Áo mũ của Nam Phương hoàng hậu năm 1934. Đây là hình ảnh cụ thể hiếm hoi của bộ Triều bào dành cho Hậu phi thời Nguyễn.
  • Hoàng thái hậu: một mũ Cửu phượng, ở trán có một vòng đai bằng vàng. Áo là Áo bào dùng vải sa màu vàng chính sắc, thêu 5 chữ thọ bằng vàng, các hoạt tiết thủy ba (sóng nước) xen lẫn ngọc, san hô, bên trong lót vải sa mỏng có hoa, màu đỏ. Váy bằng tơ đậu 8 sợi có hoa, màu đỏ, trên váy thêu đoàn phượng (hoa văn tròn mang hình chim phượng) và hoa văn thủy ba. Quần bằng vải lĩnh trắng bóng. Hài bằng tơ lông vàng, thêu phượng, trân châu và san hô. Khăn quàng bằng đoạn gấm tàu màu vàng, thêu hoa mẫu đơn và chm phượng, lót thứ lụa màu vàng.
  • Hoàng hậu: một mũ Cửu phượng, để hở chỗ búi tóc, thân mũ dùng lông đuôi ngựa. Trán mũ đính các hình rồng bay phượng lượn bằng vàng, mỗi thứ 9 con; 9 miếng bồn khoan bằng bạc; một kẹp tóc chạm hình mây và hoa; 1 bác sơn. Trên mũ đính nhiều trang sức hình hoa, bướm, các chuỗi trân châu và pha lê. Khăn vấn màu xanh da trời, trong lót vải lĩnh màu vàng chính sắc. Khuyên tai 4 cái bằng vàng. Áo là áo Bào màu vàng chính sắc bằng tơ đậu 8 sợi thêu hoa và đoàn phượng, thủy ba, trong lót vải trừu hoa thêu chim phượng và 4 bông hoa đỏ. Cổ áo bằng vải nhiễu màu tuyết trắng, vải lĩnh trắng bóng. Váy bằng đoạn 8 sợi tơ đậu màu trắng thêu đoàn phượng màu vàng, lót và thắt lưng bằng lụa Cao bộ, màu tuyết trắng. Quần dùng vải lĩnh bóng, màu trắng. Hài bằng tơ lông màu đỏ, thêu chim phượng màu xanh lục.
  • Các bậc cung giai: Quy định về áo mũ Cung giai vẫn còn nhiều tranh luận và nghi vấn. Dẫn chứng duy nhất cụ thể về áo mũ Cung giai là một chỉ dụ ["ban thưởng"] vào năm Gia Long, nhưng đó chỉ là ban thưởng cho một dịp cụ thể, chứ không có điều gì chứng minh đây là quy chế cho Cung giai. Theo đó, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi lại, vào năm Gia Long thứ 6, nhà Vua cho soạn các hạng mũ áo để ban cho Hoàng hậu và các phi tần trong nội cung dùng. Hoàng hậu được ban 2 mũ Cửu long kim ước phát (tức mũ 9 rồng có kẹp tóc) bằng vàng; một mũ Cửu phượng có kẹp tóc bằng vàng; 8 trâm cài hình con phượng; 20 chiếc áo sa kép sợi vàng thêu rồng, phượng, chim trĩ, chim loan; một áo bào bằng tơ đậu 8 sợi màu đỏ thêu rồng phượng, một xiêm (tức váy) bằng tơ đậu 8 sợi màu trắng thêu rồng phượng.

Tả hữu Cung tần được ban thưởng như sau:

  1. Cung tần bậc nhì: một chiếc mũ 5 con phượng với cặp tóc bằng vàng; 10 trâm hoa; một áo Nhật Bình màu xích đào (đỏ đậm) thêu đoàn loan (hoa văn tròn mang hình chim loan); một xiêm bằng tơ đậu 8 sợi màu trắng thêu đoàn loan.
  2. Cung tần bậc ba: một chiếc mũ 3 con phượng với cặp tóc bằng vàng; 8 trâm hoa; một áo Nhật Bình màu tím chính sắc thêu đoàn phượng; một xiêm bằng tơ đậu 8 sợi màu trắng thêu đoàn loan.
  3. Cung tần bậc bốn: một chiếc mũ 1 con phượng với cặp tóc bằng vàng; 8 trâm hoa; một áo Nhật Bình màu tía nhạt thêu đoàn loan; một xiêm bằng tơ đậu 8 sợi màu trắng thêu chim loan.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua cho định lại thứ bậc của các cung giai, không rõ màu áo Nhật Bình của các bậc phi tần có bị thay đổi hay không. Rất có thể hàng Nhất giai và Nhị giai Phi được ban áo màu đỏ, còn Tam giai, Tứ giai và Ngũ giai Tần được ban áo màu tím.

Thiệu Trị năm thứ 6 (1846), vua cho thay đổi một số hạng mũ áo của các cung giai nội đình. Các cung tần bậc nhất và bậc nhì (tức Nhất giai và Nhị giai Phi) được ban mũ phượng bằng vàng với 3 bác sơn (một loại huy hiệu đính trên mũ), bậc Nhất giai có 8 con phượng, bậc Nhị giai có 7 con phượng. Còn bậc Tam giai Tần, chỉ cài trên búi tóc trâm phượng, còn Tứ giai và Ngũ giai không cài trâm để phân biệt.

Nam Phương hoàng hậu vấn Khăn vành dây, mặc áo Lễ phục Nhật Bình. Hình ảnh phổ biến của trang phục dịp lễ thời cuối Nguyễn.

Vào ngày thường, các Thái hậu, Hoàng hậu và Cung giai đến Nữ quan mặc áo Ngũ thân dệt bằng nhiều loại chất liệu khác nhau như vải sa, trừ màu vàng dành cho bậc Thái hậu và Hoàng hậu, màu đen và màu trắng dành cho các dịp tang kỵ, thì còn lại đều khá tùy ý và không có quy định cụ thể thứ bậc. Tóc của các bà thường là rẽ giữa, chải gọn rồi búi sau gáy hoặc vấn bằng khăn, nhìn chung đều chuộng sự gọn gàng. Vào những dịp đại kỵ thời kỳ như thời Khải ĐịnhBảo Đại, có ghi nhận các bà thường sử dụng Khăn vành dây màu xanh lam đậm quấn thành nhiều vòng quanh đầu, bên ngoài khăn vấn.

Sách bảo, ấn phong

  • Hoàng thái hậu: sách phong của Thái hậu được làm bằng vàng 10 tuổi, có 5 tờ, tờ trước và tờ sau cùng chạm hình rồng và mây, các tờ ở giữa khắc sách văn. Kích thước các tờ: ngang 3 tấc 5 phân 1 ly, dài 6 tấc 3 phân 4 ly, dày 2 ly (tính theo hệ đo lường cổ của Việt Nam). Có 4 khuyên tròn bằng vàng xâu các trang lại với nhau. Sách vàng được đựng trong hòm bạc; xung quanh và nắp trên của hòm khắc hình rồng mây. Một hòm gỗ được sơn đỏ đựng ở ngoài của hòm bạc này. Bảo (tức con ấn) cũng được làm bằng vàng 10 tuổi như sách, cạnh vuông 2 tấc 4 phân, dày 4 phân. Núm cầm của ấn có hình rồng phục ngồi xổm, cao 1 tấc 5 phân. Ấn được khắc 4 chữ triện: ["Hoàng thái hậu bảo"], được đặt trong hộp gỗ, 4 góc bịt bằng bạc. Khăn phủ bằng gấm vàng. Hộp son bằng bạc.
  • Hoàng hậu: sách của Hoàng hậu không có gì khác biệt nhiều so với Thái hậu. Sách của Hoàng hậu cũng được làm bằng vàng 10 tuổi, nhưng có 6 tờ, tờ trước và tờ sau chạm hình rồng và mây, các tờ giữa khắc sách văn. Kích thước các tờ: ngang 3 tấc 5 phân, dài 3 tấc 5 phân, dày 2 ly. 4 khuyên tròn bằng vàng. Sách được cất trong hòm bạc như của Thái hậu, và bên ngoài là một hòm gỗ đỏ. Bảo cũng được làm bằng vàng 10 tuổi như sách, cạnh vuông 2 tấc 5 phân, dày 4 phân 5 ly. Núm cầm chạm hình 2 con rồng dâng ngọc châu, cao 1 tấc 5 phân. Ấn được khắc 4 chữ triện: ["Hoàng hậu chi bảo"], đựng trong hòm gỗ sơn đỏ, vẽ phượng và mây, thếp vàng. Hộp son bằng bạc.
  • Phi tần ngự thiếp: Sách của các phi tần ngự thiếp đều làm bằng bạc, riêng sách của bậc Phi thì mạ vàng. Sách có 5 tờ, tờ trước và tờ sau khắc hình mây và chim phượng, các tờ giữa khắc sách văn. Sách của Phi có kích thước: ngang 3 tấc 2 phân 4 ly, dài 5 tấc 4 phân. Sách của Cửu tần (các bậc Tam giai, Tứ giai và Ngũ giai) có kích thước: ngang 3 tấc 6 ly, dài 5 tấc 2 ly. Từ Tiệp dư xuống đến Tài nhân, sách có kích thước: ngang 2 tấc 9 phân 5 ly; dài 5 tấc. Hòm đựng sách của tất cả đều bằng gỗ sơn đỏ, 4 góc bịt bạc. Tài nhân vị nhập giai thì dùng trục lụa, màu vàng chính sắc, đậu 8 sợi tơ, chu vi thêu rồng mây, đầu trục dùng đồi mồi. Phi tần ngự thiếp không được ban ấn phong như bậc Hậu.